giả định về một triết học của đất

 

gió tháng chạp
 

như vẫn còn nghe mùi gió tháng chạp thổi qua căn nhà sàn, đêm tỏa sáng khúc biến tấu của núi, tôi gác tay lên ngực em, hơi thở của đất, những ngày tháng như nguồn mạch của những ngữ nghĩa về bụi, về những con đường dẫn đến các miền đất, về những ảo ảnh còn lưu giữ trong trời đất,  tháng chạp, tôi thấy trong ký ức những mảnh ghép, tôi dắt em qua con suối nước cắt chân, những ca khúc cũ của lũ chim trên rừng, những tồn tại dưới chân núi tựa những phác thảo dở dang của tạo tác, đêm ngủ cùng với lũ mọt đang gặm những chiếc cột nhà sàn làm bằng củi núi, tôi gác tay lên ngực em, giấc mơ về cuộc hành trình trắc trở, tháng chạp, ký ức đánh động những cơn gió đang thổi lại từ phương bắc 

 

 

những câu chuyện viết bằng bụi 

 

rồi những cơn mưa tiếp tục nhuần gội đất đai, sáng ra tôi lại đứng giữa bầu trời rộng lớn, nghĩ ngợi, luyến tiếc, hay đợi chờ, nơi vầng trán thế kỷ có quá nhiều nếp nhăn, tôi nhìn thấy ở đó những câu chuyện viết bằng bụi, những câu chuyện về một ngày của nhiều người hay của một người, một người đang bước trên ruộng đồng thấy bóng mình cứ ngã theo những luống cày đang vỡ chợt nghĩ đến việc cả người cày cả lũ bò kéo cày đều đã sắp già, cuộc đời phía trước cũng giống chiếc bóng, cứ nằm dài theo những bước chân, một người khác đang đuổi theo hình ảnh trích ra từ một cuốn cổ thư, gọi là mục tiêu cao nhất, vừa lao về phía hình ảnh vừa gào lên thứ ngôn ngữ của kẻ cuồng trí, mới hôm qua em lại viết cho tôi, rằng mặt đất ở đó đang mệt nhoài vì giá rét, những kẻ vô gia cư đến từ phía bên kia biển đang giắt díu nhau đi về phía tây để tìm những miền đất ít gió tuyết hơn, năm nay mùa đông đến muộn, tôi nằm dài dưới những cơn mưa tưởng tượng về các thành phố thời cổ đại, các ancient city, thành phố tôi đang sống hơn hẳn các ancient city, tất nhiên, người ta đang nhổ hết các cây cổ thụ đủ các loài vốn được các nhà trồng trên các đường phố để trồng lại cùng một loại cây rừng theo quan niệm về cái đẹp của một đường phố hiện đại, có nghĩa tôi phải đợi mười lăm hai mươi năm nữa mới có thể đi trên các con đường có bóng mát của cây, người ta đang san ngọn núi mọc rài ờ rìa thành phố và lấp đầm nước ngọt bao đời vẫn nằm im giữa thành phố để cho nơi tôi đang sống không có núi không có đầm theo quan điểm về cái đẹp của một thành phố hiện đại, tôi nằm dài dưới những cơn mưa nghĩ ngợi về cái thế kỷ con người tàn nhẫn với cả cây cỏ, đất đai, đêm, lũ dế ở dưới lưng tôi ra rả thứ giọng điệu như chẳng nể nang ai, này, lũ côn trùng vô học đừng tưởng lúc ta phải nghĩ ngợi về mảnh đất ta đang sống lũ ngươi đắc chí hát ca, tôi nằm im, thét, nhưng chẳng ăn thua, lũ dế cứ tiếp tục ra rả dưới lưng tôi, lắng nghe thử, thì ra, một khúc u ca của loài dế: Giữa sắc màu lộng lẫy nơi ngôi nhà chungcủa muôn loài bỗng hiện ra hình thù của hủy diệt. 

giã, những này giáp tết đinh dậu
tháng 1.2017
  

 

 

thời băng tuyết cũ tan chảy

 

dẫu gì thế giới cũng đang chuyển động theo cách của nó, ở cực nam, đám băng tuyết không còn muốn giữ nguyên hình dạng của thuở kỷ băng hà, đang tan chảy, nước biển đang nhiều thêm lên,  dường như đã đến thời các xứ sở cứ đương không nhập lại rồi đương không tách ra, thời của hợp nhất và tan rã, và dường như cũng đã đến thời con người ta có thể dùng phép thuật, tà thuật, hay cãi chày cãi cối để được trở thành một nguyên thủ quốc gia, các vì vua của  thời băng tuyết cũ tan chảy, tôi cúi xuống những chữ nghĩa cả đời đã viết ra, bỗng thấy mình lạc giữa trùng vây, nghìn nghịt những gương mặt giận dữ, nghìn nghịt những bước chân nặng trịch trần gian, nghìn nghịt những tra vấn của rừng cây, núi đồi, của sông hồ, biển cả, những tra vấn của những con đường dẫn đến các miền xứ sở, tôi nghe mặt đất dưới chân tôi như có điều gì đó thật bất thường 

giã 7h40 AM  28.1.2017
mồng một tết đinh dậu

 

 

những cuốn bách khoa toàn thư (1)

 

chưa có thư tịch nào chép về loài côn trùng đêm đêm làm nên những tấu khúc đầy ấn tượng về một thế giới riêng tư, hoành tráng, có vẻ như đã ra khỏi cuộc sống chết, bỡi lúc nào cũng nghe thấy thứ âm vang như dòng chảy từ trên cao đổ xuống, đám sinh linh chưa một ai nhìn thấy cứ đêm đến lại nghe chúng lừng lững giữa cuộc phù sinh, vào đêm tôi và em đứng dưới giàn hoa giấy nơi đầu hè nhà tôi chúng vẫn ca hát ra rả ở chung quanh, chúng hát về bầu trời đầy sao, hát về đêm tháng sáu còn đọng mùi nắng của ngày, hát về cảnh lưu lạc của lũ đôm đốm đang thắp đèn lên tìm lối đi nơi bờ tre trước nhà, tôi ôm em vào lòng tôi, thật chặt, như thể để bớt đi tâm trạng lo lắng về việc tôi và em cũng đang lưu lạc giữa cuộc trần gian rộng lớn, nhiêu khê, bất trắc, tôi cứ muốn hỏi em có cảm tưởng thế nào về việc tôi và em đứng dưới giàn hoa giấy nơi đầu hè để nghe tiếng hát của đám sinh linh nhỏ bé nhưng lũ chó trong làng lại sủa lên, dường có ai đó vào làng hay ra làng đánh động tính cách bộc trực của lũ chó, ban đầu chỉ vài ba con sủa lên, nhưng liền đó, như thể để tỏ đồng tình trong những nhận thức về thế giới, hết thảy lũ chó trong làng cùng sủa lên, dường em đang vui bỡi tôi nghe thấy hơi thở  em có vẻ đều hơn mùi tóc em có vẻ thơm hơn, tôi vội vã chuyển ý nghĩ của mình sangcánh đồng làng, tôi dự tính vào đêm hôm sau sẽ đưa em ra nằm nơi bờ cỏ đồng làng, khi nằm giữa hương cỏ hương lúa đồng làng để nghe lũ côn trùng ca hát có thể tôi và em sẽ hiểu hơn về mặt đất tôi và em đang cư trú. 

giã 9.30 AM  2.2.2017
 

 

những cuốn bách khoa toàn thư (2)

 

chúng tôi cứ theo lòng con suối đã cạn hết nước ngược về phía thượng nguồn, chọn cách đi ấy là để chiêm nghiệm về sự khắc nghiệt của thời gian, suối đầu nguồn luôn là hình ảnh đẹp nhất đối với một cuộc tình, nàng nói với tôi lúc mới bắt đầu cuộc hành trình, hun hút gió tháng sáu, nắng, rát lá trên rừng, sự khô cạn dưới mỗi bước chân chúng tôi như nhịp điệu bí ấn của cuộc chuyển động vẫn nhìn thấy qua hình hài, lá rừng đang chuyển sang màu nhạt, tiếng hót của lũ chim ngắn hơn, ít âm vang hơn, và những hòn sỏi nơi lòng suối như đang cố thu nhỏ lại trong cõi chật hẹp, những sự cố cạn kiệt ám ảnh tôi cho đến lúc nghe nàng nói về con suối trên rừng đang chở trời tháng sáu về phía còn nguyên những hình dáng cổ sơ, nàng mô tả về nguyên sơ như những giấc mơ lãng tử, gió lãng đãng mang theo hình hài của đất, còn lũ chim thì mới tập tành giọng hót…trưa, chúng tôi nằm nơi lòng suối, bầu trời trên đầu như thể cái mái vòm to lớn che chở chúng tôi, nàng có vẻ nghiêm trang như thể đang phát hiện được điều gì quan trọng, tôi thì chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng những hóa thạch, mấy nghìn triệu năm ngôn ngữ của chuyển động cứ cuối mỗi chặng đường lại ngã xuống những áo khinh cừu, xa mã, thành quách, những khúc hát rong, những tiếng hô xung trận, những gào thét trong ngục tù…tôi chỉ thấy những trầm tích chồng lên nhau trong trí tưởng tượng của tôi, mãi xế chiều dường tôi nghe đã thấy những lời tự trách của lũ ốc đá trên rừng về sự tính toán sai lầm của loài giống chúng trong cuộc tiến hóa, và mãi xế chiều nàng mới nói với tôi rằng nàng đã nhìn thấy mặt trời biến thành những con suối cuồn cuộn chảy xuống mặt đất, hay cuộc chuyển động lại chuyển sang một thời khác, vẫn đầy bí ấn, tôi nghĩ. 

giã  16 PM  4.2.2017

 

 

những cuốn bách khoa toàn thư [3]

 

rồi em lại đến với tôi giữa mùa xuân lũ ong còn bận đang đi tìm những khu vườn hoa nhiều mật, buổi sáng lũ chim nuôi thức dậy hót vang, thành phố có vẻ thêm vẻ hào hoa, nhưng cũng có thể nói đấy không phải tiếng hót mà những tường trình về sự tù hãm, bỡi con người thuộc loài giống không phải chỉ muốn làm ra tù hãm cho riêng loài giống mình, đêm hôm qua nhất định có kẻ nào đã lén vào thành phố kích động đám trẻ nhỏ mê đá bóng, mới sớm tinh mơ đã nghe thấy lũ chúng hò hét nơi quảng trường thành phố, việc giành giật nhau quả bóng bện bằng rơm rạ của đám trẻ con nhà nghèo trong thành phố tôi đang sống là thuộc về niềm đam mê đương đại, nhưng là chúng tìm đâu ra rơm rạ vậy nhỉ, trong khi thỉnh thoảng thấy người ta lùa bò trên con đường phố ngang qua nhà tôi, nhưng là lùa đến lò mổ, chứ đâu phải lùa ra đồng làng, và đâu có rơm rạ rải trên đường phố như cái cảnh bò đi đến đâu rơm rạ rải đến đó trên các con đường quê, triết học về nền điền kinh marathon của Hy Lạp cổ đại chảy qua suốt mấy ngàn năm khi vào đến thành phố của tôi đang sống tan ra thành những câu hỏi gây rối rắm trong nghĩ ngợi của tôi, vậy thì vì đâu người ta lũ lượt đi đón một đội đá bóng đi đấu đá ở nước ngoài trở về như những anh hùng của xứ sở trong khi không hề biết, hay chẳng cần biết, có những người cày ruộng đã nghĩ ra được cách làm những máy móc [nông cụ] canh tác trên ruộng đồng của xứ sở như thể đang khuấy lên cuộc cách mạng gieo trồng sau cách mạng đá cũ đá mới, và vậy thì vì đâu người ta dám bỏ ra bạc vạn để làm những nghi lễ điền kinh đương đại, chẳng còn nhớ chút gì về những nghi lễ gieo trồng [tổ tiên con người đã nghĩ được] trong khi những nhà ‘khoa học chân đất” của thời đại chỉ sống với niềm vui của đám trẻ em nhà nghèo với quả bóng bện bằng rơm rạ, rồi em lại đến với tôi, mùa xuân như thể đang làm cho thành phố tôi đang sống rơi vào những ảo ảnh chết người, hoa, thủ phạm của những phức tạp đương đại lại đóng vai sứ giả mang đến thành phố của tôi dáng vẻ của vĩnh hằng, chẳng phải vẻ đẹp của hoa thuộc khái niệm vĩnh hằng hay sao, tôi cũng không biết những người chị quét rác đêm của thành phố và những người  chị mua gánh bán bưng ở các buổi họp chợ của thành phố nghĩ gì, muốn gì, khi ngang qua những lối hoa, những đường hoa, những công viên hoa của thành phố [kinh phí bỏ ra cho chúng không phải là nhỏ] các loài hoa xuân đang khoe sắc đẹp, những khái niệm vĩnh hằng có còn ăn nhập với trần gian này, tôi cũng không biết, rồi em lại đến với tôi, ngay giữa mùa xuân, để nói với tôi, rằng, mùa xuân chỉ là cái cớ cho những nghĩ ngợi rối rắm của trần gian này

 

giã  11 AM  cuối tháng giêng mậu tuất  14.3.2018